VĂN HÓA-XÃ HỘI
Báo chí cách mạng Việt Nam: Sứ mệnh và trách nhiệm !
20/06/2023 08:30:55

Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6 hàng năm là dịp để toàn thể nhân dân tôn vinh, tri ân những nhà báo đã đóng góp tâm sức vì một nền báo chí nước nhà vững mạnh, đưa đến độc giả những bài báo phản ánh chân thực các vấn đề đời sống, văn hóa, xã hội, những câu chuyện truyền cảm hứng và những tấm gương đáng tôn vinh.

Hàng năm vào ngày 21/6 các hoạt động kỷ niệm, chào mừng diễn ra sôi nổi trên khắp cả nước. Cũng vào ngày này, các cuộc thi báo chí với những sản phẩm chất lượng của các phóng viên, nhà báo được phát động. Chính vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng ngày 21/6 không đơn thuần là ngày lễ kỷ niệm mà còn là dịp để những người làm báo nhìn lại những thành tựu cũng như khó khăn để thêm tình yêu và sự nỗ lực đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp báo chí cách mạng.

Trong lịch sử báo chí Việt Nam, từ những năm 60 thế kỷ XIX đã có “Gia Định báo” và một số báo lần lượt ra đời tại Sài Gòn, Hà Nội và một vài địa phương khác. Những năm đầu thế kỷ XX, hàng loạt tờ báo của người Việt Nam được xuất bản, tập hợp nhiều nhà văn, nhà báo, nhà trí thức theo từng nhóm nhỏ nhưng có các khuynh hướng chính trị khác nhau, nên không thể tập hợp vào chung một tổ chức thống nhất.

Đến ngày 21/6/1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), báo “Thanh niên” do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, ra mắt số đầu tiên thì dòng báo chí cách mạng Việt Nam mới bắt đầu hình thành.

Từ khi có báo “Thanh niên”, báo chí Việt Nam giương cao ngọn cờ cách mạng, nói lên ý chí, khát vọng của dân tộc Việt Nam và chỉ rõ phương hướng đấu tranh của nhân dân Việt Nam vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, báo chí cách mạng Việt Nam từ tờ báo đầu tiên - báo Thanh niên xuất bản ngày 21/6/1925, qua mỗi thời kỳ cách mạng 1925 - 1930, 1930 - 1945, 1945 - 1954, 1954 - 1975, 1975 - 1986, 1986 - đến nay, đều có sự phát triển mạnh mẽ.

Ngày 2/6/1950, Chính phủ chính thức quyết định cho thành lập Hội “Những người viết báo Việt Nam” (Hội Nhà Báo Việt Nam ngày nay). Đến tháng 7/1950, Tổ chức Báo chí quốc tế (OIJ) nhóm họp ở Phần Lan đã công nhận Hội những người viết báo Việt Nam là thành viên chính thức của tổ chức.

Tháng 2/1985, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Bí thư Trung ương Ðảng ra quyết định số 52 ngày 5/2/1985 lấy ngày ra số đầu tiên của báo Thanh Niên làm ngày Báo chí Việt Nam (21/6/1925) nhằm nâng cao vai trò và trách nhiệm xã hội của báo chí, thắt chặt mối quan hệ giữa báo chí với công chúng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí.

Ngày 21/6/1985, lần đầu tiên giới báo chí cả nước tổ chức Lễ kỷ niệm ngày Báo chí Việt Nam và kỷ niệm 60 năm Báo Thanh Niên xuất bản số đầu tiên. Ðây là ngày lễ không chỉ của riêng giới báo chí mà là ngày lễ của nhân dân cả nước, vì báo chí là sự nghiệp của toàn dân.

Ngày 21/6/2000, nhân kỷ niệm 75 năm ngày Báo chí Việt Nam, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đồng ý gọi ngày Báo chí Việt Nam là ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.

Với nhiều người, ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6 có ý nghĩa quan trọng và to lớn. Ngày 21/6 cũng là dịp để những người làm báo nhớ về lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Người luôn nhấn mạnh vai trò quan trọng và tác động to lớn của báo chí, Người coi “Văn hóa là một mặt trận”, “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”.

Ngoài ra, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng cho rằng, phẩm chất đạo đức, năng lực của người làm báo là yêu cầu không thể thiếu để báo chí xứng đáng với vai trò vị trí quan trọng trong công cuộc cách mạng chung của đất nước.

Sau ngày thống nhất đất nước, báo chí ở nước ta đã phát triển khá nhanh cả về số lượng và chất lượng, hình thành hệ thống thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình rộng khắp cả nước. Nội dung thông tin của báo chí ngày càng phong phú, hiệu quả, hình thức đẹp, sinh động và hấp dẫn.

Trong thời kỳ hội nhập và đổi mới, báo chí đã tuyên truyền, phổ biến đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, phản ánh nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân.

Báo chí đã quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Đồng thời báo chí cũng là vũ khí sắc bén chống lại các thế lực thù địch của cách mạng, đấu tranh chống tiêu cực bảo vệ lợi ích của nhân dân.

Từ thuở sơ khai với Báo Thanh Niên và những tờ báo cách mạng khác hoạt động bí mật và công khai, với số lượng những người làm báo ít ỏi, chủ yếu tự hướng dẫn, truyền đạt kinh nghiệm làm báo cho nhau. Đến nay, nền Báo chí Cách mạng Việt Nam đã có một lực lượng báo chí đông đảo, lớn mạnh ở cả 4 loại hình, bao gồm 815 cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương, trong đó có 138 báo in và báo điện tử và 677 tạp chí in và tạp chí điện tử; 67 đài phát thanh và truyền hình Trung ương, ngành và địa phương; gần 20.000 nhà báo được cấp thẻ và lực lượng cộng tác viên báo chí đông đảo trên khắp mọi miền; nhiều cơ quan báo chí đặt văn phòng đại diện ở trong và ngoài nước…

Trong mọi thời kỳ cách mạng, Báo chí Cách mạng Việt Nam luôn là vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng – văn hóa của Đảng, Nhà nước; là diễn đàn dân chủ, công khai của quần chúng nhân dân.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, bùng nổ thông tin, đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của kỹ thuật, công nghệ hiện đại, thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nền Báo chí Cách mạng Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển. Bên cạnh đó cũng đặt ra nhiều thách thức, khó khăn đối với hoạt động báo chí, đặc biệt là sự bùng nổ gây nhiễu loạn của thông tin mạng xã hội.

Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách tạo điều kiện để nền Báo chí Cách mạng Việt Nam phát triển chuyên nghiệp và hiện đại, đặc biệt là trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ như hiện nay. Đề án quy hoạch phát triển báo chí là cơ hội để các cơ quan báo chí đổi mới cơ cấu tổ chức, bộ máy, nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, tôn chỉ, mục đích trong bối cảnh mới. Các cơ sở đào tạo báo chí đã và đang tích cực đổi mới, cung cấp nguồn nhân lực làm báo chất lượng cao cho các cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương, cũng như các nước bạn anh em.

Nền Báo chí Cách mạng Việt Nam ngày càng hiện đại, chuyên nghiệp và hội nhập quốc tế, thể hiện rõ sứ mệnh và trách nhiệm của mình đối với đất nước. Hệ thống báo chí ngày càng phát huy sức mạnh là công cụ truyền thông chính yếu của Đảng, Nhà nước và của nhân dân; đồng thời là phương tiện giám sát, phản biện xã hội hiệu quả. Đội ngũ nhà báo cách mạng phải tiếp tục “rèn tài, luyện tài”, tâm sáng, lòng trong, bút sắc, để xứng danh là những chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng, Nhà nước và của nhân dân.

Kết quả giải quyết TTHC
Đến tháng 11 đã giải quyết:
100%
Số hồ sơ xử lý: 3567
Trước & đúng hạn: 3567
Trễ hạn: 0
Tỉ lệ trễ hạn: 0%
Chi tiết
( Cập nhật lúc:30/11/2023 12:07:14)

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ THANH GIANG - HUYỆN THANH MIỆN

Trưởng Ban Biên tập: Ông Vũ Đình Nguyễn -  Chủ tịch UBND xã

Địa chỉ: xã Thanh Giang, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương

Điện thoại: 0982.739.649

Email: ubnd.xathanhgiang@gmail.com

Đang truy cập: 2
Hôm nay: 7
Tất cả: 35,739