VĂN HÓA-XÃ HỘI
Khắp nơi rộn ràng không khí tết trung thu
28/09/2023 06:24:16

Trong những ngày này, không khí trung thu đã ngập tràn khắp các ngõ phố. Mọi người, mọi nhà đều náo nức vui đón trung thu, nhất là các em nhỏ. Ngoài đường phố, đâu đâu cũng rộn ràng tiếng trống, tiếng chiêng của những đoàn múa lân, những ánh đèn nhấp nháy sáng rực của những loại đồ chơi đủ màu sắc. Đường phố trở lên tấp nập hơn, có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh những bậc phụ huynh đưa những em nhỏ đi dạo phố, thưởng thức không khí rộn ràng, tưng bừng của tết trung thu. Tiếng nói, tiếng cười của những em nhỏ vang lên giòn rã cùng với những chiếc đèn lồng, đèn ông sao trên tay và vui mừng thích thú ngắm nhìn những chú kỳ lân, ông địa biểu diễn vui nhộn.

Theo phong tục tập quán người Việt ta từ xưa đến nay, Tết Trung Thu được tổ chức vào giữa mùa thu, tức là hôm Rằm Tháng Tám (âm lịch). Trong dịp này người ta làm cỗ cúng gia tiên và bày bánh trái ra sân cúng mặt trăng.

Nhân dịp tết này, người lớn thì uống rượu, thưởng trăng, và hát trống quân; trẻ em thì rước đèn, đi xem múa lân, ca hát các bài hát Trung Thu, và vui hưởng bánh kẹo cùng các thứ trái cây do cha mẹ bày ở ngoài sân trong đêm Trung Thu dưới hình thức một mâm cỗ. Theo tục lệ, việc trẻ con thưởng thức bánh kẹo trái cây trong đêm Trung Thu này được gọi là "phá cỗ."

Người Việt ta ăn Tết Trung Thu vào ngày rằm tháng tám âm lịch là do ta phỏng theo phong tục của người Hoa về truyền thuyết vua Đường Minh Hoàng lên cung trăng.

Theo lệ đó, từ đó đến nay, khi đón trăng-đón Tết Trung Thu, khắp nơi, mọi nhà, mọi người, nhất là các em nhỏ, được người lớn chuẩn bị cho tết, hướng dẫn trẻ em ngắm trăng vui chơi, múa hát, đánh trống, rước đèn ông sao và các hình con vật, cùng nhiều đồ chơi thích thú. Người lớn không chỉ mua sắm, tổ chức, hướng dẫn cho con trẻ, mà cũng cùng các em vui chơi thoả chí và thích thú đón trăng, phá cỗ dưới trăng làm nên sự thăng hoa tình cảm, trí tuệ, trước thiên nhiên, cuộc sống, khi mùa thu êm ả, mát mẻ, dễ chịu, thoải mái, hứng khởi đi tới tương lai của cộng đồng và mỗi người.

Tục lệ phá cỗ trông trăng đã có ở nước ta từ xưa đến nay. Nên dịp Tết Trung thu, khắp nơi trong nước sản xuất nhiều loại đồ chơi, làm nhiều loại bánh, kẹo trung thu nhiều hình nhiều vẻ, nhiều màu sắc, nhiều hương vị, bày bán khắp nơi để phục vụ Tết Trung thu.

Rước đèn đêm Trung thu, đã là tục lệ và nguồn vui của mọi người, nhất là thiếu nhi.

Tết Trung thu và các tục lệ trong tết này, được du nhập từ Trung Hoa vào Việt Nam từ thời Lý. Nhưng phải đến Cách mạng tháng 8 thành công và nhất là từ năm 1947, khi Bác Hồ gửi thư Trung thu cho thiếu nhi cả nước, Tết Trung thu mới thực sự trở thành tết của tất cả trẻ em và được tổ chức vui chơi tưng bừng, rộn ràng, phấn khởi, vừa mang nhiều nguồn vui, vừa có ý nghĩa xã hội, đời sống… khi toàn xã hội, gia đình tận tình chăm sóc trẻ em. Sinh thời, hàng năm, Tết Trung thu về, Bác Hồ đều gửi thư cho thiếu nhi. Bác còn đến một số nơi vui chơi, tặng quà, đón trăng cùng các cháu. Đó là tấm lòng yêu dấu thấu tình của Bác, của tất cả người lớn với lớp măng non của dân tộc-người kế nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước... Từ đó, việc treo đèn bày cỗ trong ngày rằm tháng tám trở thành tục lệ.

Trong những ngày vui tết trung thu, trẻ em được đón tết với đèn lồng, đèn ông sao, đèn con giống... sặc sỡ thắp sáng kéo nhau đi từng đoàn ca hát vui vẻ, tối tối cùng nhau vui chơi ngoài đường, ngoài ngõ. Và khi rằm tới, có những đám múa sư tử với tiếng trống, tiếng thanh la thật náo nhiệt.

Người Hoa và người Việt đều làm bánh trung thu để cúng, ăn, biếu thân bằng quyến thuộc, và đãi khách. Điểm chung kế tiếp là người Hoa và người Việt đều tổ chức rước đèn trong đêm trung thu.

Tết Trung Thu của người Việt có nhiều điểm đặc biệt khác với Tết Trung Thu của người Trung Hoa. Theo phong tục người Việt, bố mẹ bày cỗ cho các con để mừng trung thu, mua và làm đủ thứ lồng đèn thắp bằng nến để treo trong nhà và để các con rước đèn.

Cỗ mừng trung thu gồm bánh trung thu, kẹo, mía, bưởi, và các thứ hoa quả khác nữa. Đây là dịp để con cái hiểu được sự săn sóc quí mến của cha mẹ đối với mình một cách cụ thể. Vì thế, tình yêu gia đình lại càng khắng khít thêm.

Cũng trong dịp này người ta mua bánh trung thu, trà, rượu để cúng tổ tiên, biếu ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè, họ hàng, và các ân nhân khác. Thật là dịp tốt để con cháu tỏ lòng biết ơn ông bà cha mẹ và để người đời tỏ lòng săn sóc lẫn nhau.

Tết Trung Thu là một phong tục rất có ý nghĩa. Đó là ý nghĩa của săn sóc, của báo hiếu, của biết ơn, của tình thân hữu, của đoàn tụ, và của thương yêu. Vì vậy, mỗi chúng ta cần cố gắng duy trì và phát triển ý nghĩa cao đẹp này.

Nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn chăm lo, dành sự quan tâm đặc biệt đến sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, những chủ nhân tương lai của đất nước. Hàng năm, vào dịp trung thu, xã nhà lại tổ chức nhiều hoạt động thiết thực và ý nghĩa để các em được vui đón tết. Không chỉ vậy, nhiều xóm cũng đóng góp kinh phí tổ chức cho các cháu nhỏ đón tết trung thu rất sôi động và ý nghĩa.

Đây là một hoạt động hết sức ý nghĩa. Là dịp để toàn xã hội thể hiện sự quam tâm, chăm sóc và giáo dục trẻ, đồng thời cũng là dịp để phát huy và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Tết trung thu cũng là dịp để các em nhỏ được tham gia vào các hoạt động vui chơi lành mạnh, bổ ích và đầy ý nghĩa. Từ đó giúp các em có điều kiện phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần.

Nhân dịp tết trung thu cổ truyền, xin được chúc tất cả các em nhỏ luôn mạnh khỏe, chăm ngoan, học giỏi, phát huy truyền thống của quê hương, phấn đấu trở thành những chủ nhân tương lai của đất nước.

Kết quả giải quyết TTHC
Đến tháng 11 đã giải quyết:
100%
Số hồ sơ xử lý: 3567
Trước & đúng hạn: 3567
Trễ hạn: 0
Tỉ lệ trễ hạn: 0%
Chi tiết
( Cập nhật lúc:30/11/2023 07:57:13)

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ THANH GIANG - HUYỆN THANH MIỆN

Trưởng Ban Biên tập: Ông Vũ Đình Nguyễn -  Chủ tịch UBND xã

Địa chỉ: xã Thanh Giang, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương

Điện thoại: 0982.739.649

Email: ubnd.xathanhgiang@gmail.com

Đang truy cập: 0
Hôm nay: 0
Tất cả: 0