Những ngày qua, do thời tiết thay đổi, bệnh đau mắt đỏ dễ sảy ra và bùng phát thành dịch. Đây là thời điểm "mùa dịch" của bệnh. Bệnh đau mắt đỏ thường có dịch vào cuối năm khi thời tiết thay đổi, trời trở lạnh.
Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh viêm kết mạc cấp như vi rút, vi khuẩn, có thể do tác nhân môi trường, hóa chất. Vào mùa dịch thì bệnh chủ yếu do nhiễm vi rút adenovirus.
Bệnh có biểu hiện đặc trưng là đỏ mắt. Bên cạnh đó, bệnh nhân còn bị sưng nề mi mắt, cảm thấy cộm xốn, chảy nước mắt và đặc biệt là chảy nhiều ghèn.
Bệnh đau mắt đỏ thường kéo dài trong khoảng hai tuần và hầu hết tự khỏi. Tuy nhiên nếu không được điều trị đúng có thể gây ra các biến chứng nặng như: nhiễm trùng mắt, viêm loét giác mạc, thủng giác mạc, viêm tổ chức tại mắt hoặc nặng nhất có thể gây mù mắt.
Khi bị đau mắt đỏ, người dân không nên tự chữa tại nhà, điều này rất nguy hiểm, có thể gây ra nhiều biến chứng hoặc tác dụng phụ.
Vì vậy, khi bị đau mắt đỏ, bệnh nhân cần đến khám tại các cơ sở y tế để được bác sỹ nhỏ thuốc kháng sinh ngăn ngừa biến chứng nhiễm khuẩn, kháng viêm, giảm triệu chứng. Bác sĩ sẽ theo dõi và cho ngưng thuốc kịp thời. Nhiều bệnh nhân tự ý mua thuốc nhỏ mắt, có thể là thuốc có chứa corticoid sẽ gây lở loét, nhiễm trùng giác mạc, thậm chí mù.
Bên cạnh đó, nhiều người chọn chữa bệnh đau mắt đỏ theo phương pháp dân gian bằng cách xông lá trầu, rau răm có thể làm giảm bớt triệu chứng phù nề mi mắt. Tuy nhiên không có tác dụng chữa bệnh. Nếu không cẩn thận có thể bị bỏng mi mắt hoặc trầy, bỏng, loét giác mạc gây biến chứng thậm chí dẫn đến mù mắt. Vì vậy, người bệnh tuyệt đối không tự ý mua thuốc để nhỏ mắt hoặc tự chữa bệnh đau mắt đỏ tại nhà.
Người bị bệnh đau mắt đỏ nên đeo kính, không nhìn vào mắt người bị đau mắt đỏ là cách phòng ngừa lây bệnh phổ biến được người dân thực hiện. Tuy nhiên, bệnh đau mắt đỏ có thể lây qua đường hô hấp khi tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, với dịch tiết của người bệnh (nước mắt, nước bọt); hay qua bàn tay (khi bắt tay, dụi mắt).
Bệnh cũng lây gián tiếp khi dịch tiết của người bệnh dính vào dụng cụ cá nhân, đồ dùng và người khác chạm phải. Vì vậy người trong gia đình, trường học, công sở dễ lây cho nhau. Để phòng bệnh, người dân nên giữ vệ sinh, đặc biệt là rửa tay, rửa mặt thường xuyên. Bông băng vệ sinh mắt mà người bệnh đã dùng cần bỏ vào thùng rác, không nên dùng khăn lau đi lau lại nhiều lần.
Khi chúng ta có cảm giác mắt cộm xốn, đỏ, chảy nước mắt, ngủ dậy thấy ghèn tiết nhiều thì cần đến bệnh viện khám, nhất là trong gia đình, lớp học hay cơ quan đã có người mắc bệnh. Phụ huynh cần để ý đến trẻ vì trẻ thường không ý thức được bệnh dẫn đến dụi mắt nhiều làm trầy, viêm giác mạc.