Đăng nhập

Cổng TTĐT Xã Thanh Giang - Huyện Thanh Miện

23/4/2023  |  English  |  中文

Lịch sử, văn hóa - Xã Thanh Giang

Thanh Giang là xã thuần nông, nằm ở phía nam huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. Phía bắc giáp xã Ngũ Hùng; đông giáp xã Văn Hội; đông - nam giáp xã Văn Giang; nam giáp xã Tiền Phong; tây - nam giáp xã Diên Hồng, còn tây- bắc là xã Chi Lăng Nam và xã Chi Lăng Bắc.

z5494131271049_64a49ba0352df60f6bb897447b2e4e3b.jpg

Trải qua năm tháng với những biến cố của lịch sử, từ khi con người về đây khai khẩn đất đai, sinh cơ lập nghiệp đến ngày nay, xã Thanh Giang đã trải qua nhiều lần thay đổi về địa giới hành chính và tên gọi. Nghiên cứu văn bia ở các đình chùa, gia phả của một số dòng họ và các cụ già truyền lại, ta thấy; cách đây hàng ngàn năm con người đã đến đây sinh sống.

Trước cách mạng tháng 8/1945, Thanh Giang còn là 3 xã (làng) là: Tiêu Ổ, thuộc tổng La Ngoại; Đan Giáp, thuộc tổng Mi Động, huyện Thanh Miện; Phù Tải, thuộc tổng Văn Hội, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương.

Xã Tiêu Ổ chỉ có một thôn là Tiêu Ổ, nay gọi là Tiêu Sơn. Xã Đan Giáp còn có tên là làng Ghép, gồm 3 thôn: Đan Giáp, Đồng Lại (Đồng Ích) và Vũ Xá. Đến tháng 02/1946, Tiêu Ố hợp nhất với Đan Giáp thành một xã lấy tên là xã Vũ Dũng. Còn xã Phù Tải thời nhà Lý gọi là Phù Đới có 5 thôn: Đồng Hai, Trung, Kiều, Thị, Bến thuộc tổng Văn Hội, huyện Ninh Giang. Đầu năm 1948 xã Phù Tải mới cắt về huyện Thanh Miện. Đến tháng 12/1948, xã Phù Tải sát nhập với xã Vũ Dũng thành một xã lấy tên là xã Thanh Giang. Xã Thanh Giang tồn tại đến ngày nay (chỉ trừ có xóm An Phong (còn gọi là Đậu) của thôn Bến, năm 1956 cắt về xã Tiền Phong).

Thanh Giang có diện tích tự nhiên gần 5km¬2, với 47 dòng họ quần tụ bên nhau. Xã có đường tỉnh lộ 20B, 192 chạy qua; phía nam có sông Luộc, đã tạo lên một tuyến đường giao thông thuỷ, bộ rất quan trọng đi Ninh Giang, Hải Phòng, sang Thái Bình, Hưng Yên, Nam Định và Hà Nội. Đây không chỉ là điều kiện thuận lợi để địa phương phát triển kinh tế, văn hoá mà còn là tuyến giao thông chiến lược phục vụ cho việc phòng thủ và tấn công địch. Trong 9 năm kháng chiến, giặc Pháp đã lợi dụng tuyến giao thông thuỷ -

bộ này để chuyển quân, vũ khí trang bị, tổ chức đánh phá, càn quét xã Thanh Giang và các xã xung quanh. Nhưng cũng trên tuyến giao thông này quân và dân ta đã làm cho quân địch khiếp vía kinh hồn.

Trước cách mạng tháng 8/1945, diện tích canh tác của xã có 1.509 mẫu 4 sào Bắc Bộ, trong đó 2/3 diện tích cấy được 2 vụ chiêm, mùa. Đất đai tương đối mầu mỡ, nhiều chân ruộng cao phù hợp với làm mầu. Thanh Giang là một xã đông dân, đất đại tuy không nhiều, nhưng người dân thông minh, cần cù sáng tạo trong lao động sản xuất. Ngay từ buổi sơ khai lập trại ấp, nhân dân địa phương đã biết cấy lúa nước, trồng ngô, khoai, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải, chăn nuôi gia súc, gia cầm, đánh bắt tôm cá, làm nghề thủ công như: Đan lát, làm đồ gốm v.v...

Tuy xã gồm nhiều thôn, nhiều dòng họ hợp thành, song hình thức sản xuất, văn hoá, xã hội, tôn giáo, phong tục tập quán đều giống nhau. Ngoài mối quan hệ họ hàng huyết thống, họ còn gắn bó với nhau bởi "Tình làng, nghĩa xóm", sớm hôm "Tối lửa, tắt đèn có nhau". Nhân dân Thanh Giang đều theo đạo Phật, thôn nào cũng có đình, chùa để thờ cúng những người có công với dân với nước và lễ Phật.

+ Xã (làng) Phù Tải: Cả 5 thôn đều có đình, chùa. Trong đó lớn nhất là đình Giải, đình Võ và chùa Giải. Đình Giải xây theo kiểu chữ chữ Nhị (J), bằng gỗ lim, cột to 2 người ôm. Đình Võ thờ Trạng nguyên triều Lý: Phạm Hiên và tiến sỹ triều Trần: Trương Đỗ. So với đình Giải, đình Võ xây dựng muộn hơn, năm 1905 được trùng tu lại, đình Võ thờ hai vị thành hoàng là trạng nguyên Phạm Hiên và tiến sỹ Trương Đỗ. Năm 1950, đình Võ thường xuyên bị lính ở bốt Trại bắn phá; dân làng phải rước 2 vị về thờ ở Đàn Thiện.

Đàn Thiện thờ thánh Trần Hưng Đạo, xây dựng năm 1906 đến năm 1917 thì hoàn thành. Người có công xây dựng Đàn Thiện là cụ Bùi Hữu Ái và hội khuyến thiện (1) đã đi quyên góp tiền của thập phương về xây đàn. Đây là công trình văn hoá lớn, có giá trị kiến trúc, nghệ thuật cao. Ngày 30/12/2004, Đàn Thiện đã được Bộ Văn hoá - Thông tin cấp Bằng Di tích kiến trúc nghệ thuật.

Ở Phù Tải có nhiều chùa, nhưng lớn nhất là chùa Giải - là chùa chung của xã được xây dựng từ thời nhà Lý đến nhà Lê trùng tu lại. Trong chùa vẫn còn lưu lại bút tích ghi rõ:

"Lý Triều kiến tạo

Lê Triều trùng tu"

Chùa được Lý Cắng, một nhà sư danh tiếng thời Lý về chủ trì cất chùa, tạc tượng, đúc chuông. Hàng năm vào cuối tiết xuân, đầu hè (tháng tư âm lịch) các sư sãi thuộc vùng Hải Đồng (Hải Dương - Hải Phòng) về làm lễ khai tràng thuyết pháp. Hiện nay chùa vẫn còn lưu giữ được nhiều tượng Phật và đồ tế lễ, đã được Bộ Văn hoá - Thông tin, Bảo tồn, Bảo tàng công nhận là những di vật cổ quý hiếm.

+ Xã (làng) Đan Giáp: Cũng như Phù Tải, cả 3 thôn đều có đình, chùa, miếu và một chùa chung. Riêng dòng họ Vũ Đình còn có nhà thờ danh tướng Tây Sơn Vũ Văn Dũng.

+ Xã (làng) Tiêu Ổ: Có đình, miếu thờ Thánh Ông - Vua Bà và chùa thờ phật. Hiện nay chỉ còn đình, chùa nhưng bị dột nát, nhân dân địa phương đã đóng góp tiền của tôn tạo lại ngày một khang trang. Còn miếu Thánh Ông đã bị giặc Pháp phá trong thời kỳ kháng chiến.

Ngoài xây đình, làm chùa nhân dân Thanh Giang còn xây dựng đường xá. Các đường dọc làng đều được lát những phiến đá xanh to và bắc cầu đá thuận tiện cho việc đi lại. Có thể nói các đình, chùa, miếu ở Thanh Giang thực sự là những công trình văn hoá, nghệ thuật quý, được xây dựng cách đây hàng trăm năm. Với những nét chạm trổ tinh vi, khéo léo của các bàn tay nghệ nhân tài hoa, đánh dấu bao mồ hôi công sức, trí tuệ của người dân địa phương.

Dòng sông, bến nước, cây đa, mái đình là biểu tượng của làng quê Việt Nam. Sân đình đã chứng kiến bao dịp hội hè, đình đám, tế lễ thần hoàng trong tháng Giêng, Hai hằng năm, cầu mong cho "Mưa thuận gió hoà", làng xóm bình an, ngày một thịnh vượng. Trong những ngày lễ hội, nhân dân các làng thường tổ chức rước kiệu, các trò chơi dân gian như: Múa lân, kéo co, đánh vật, chọi gà, hát chèo, giao duyên, hát ví... tạo lên ngày hội văn hoá quần chúng trong tháng nông nhàn, vừa để vơi đi nỗi vất vả gian truân những tháng ngày lao động "Một nắng hai sương", vừa để giữ gìn văn hoá dân tộc truyền thống.

Nhân dân Thanh Giang có truyền thống hiếu học. Nhiều người đã vươn lên từ cảnh bần hàn dùi mài kinh sử, quyết tâm đỗ đạt, đức, tài vẹn toàn, làm quan thanh liêm để lại tiếng thơm muôn đời. Cụ Phạm Hiên đời Lý thi đỗ trạng nguyên, là người có học vị cao nhất cả nước, làm quan đứng đầu bộ thượng thư. Trong sắc phong ở đình Võ (Phù Tải) về cụ có đoạn viết: "Sắc Hải Dương tỉnh, Vĩnh lại huyện, Phù Tải xã, Tòng tiền phụng sự, Lý Triều trạng nguyên, Dũng thủ, Thủ bộ thượng thư. Nhập thị kinh duyên Phạm Hiên tướng công tôn thần". Đại ý: Thời Lý, cụ Phạm Hiên đỗ trạng nguyên, làm quan đứng đầu bộ thượng thư, học vị cao nhất của triều đình. Cụ là người thanh liêm, trung trực, tài cao đức trọng. Sau khi từ quan về quê dạy học, học sinh theo học rất đông. Cụ mất, nhân dân vô cùng thương tiếc đã lập đền thờ để ghi nhớ và được nhà Vua sắc phong làm thành hoàng.

Thời nhà Trần, Phù Tải có cụ Trương Đỗ vốn nổi tiếng là người thông minh, văn võ song toàn thi đỗ tiến sĩ, có nhiều công lao với triều đình, được Vua cho đặc ân: Khi vào triều được tự nhiên, ngồi vào nơi đã định. Không phải vái lễ, không phải xưng tên ("Nhập thị kinh duyên thiết toạ ư ngự toạ chi chắc. Nhập triều bất bái, Trương tấu bất danh, sắc phong ninh phù"). Trương Đỗ là người am hiểu thời thế, nhìn xa trông rộng, yêu nước, thương dân, cụ đã 3 lần dâng sớ xin Vua Trần Duệ Tông không nên đem quân đánh Chiêm Thành để giữ vững mối bang giao với nước láng giềng, để lương dân khỏi khổ về nạn binh đao. Nhưng Vua Trần Duệ Tông không nghe, cứ đem quân đánh Chiêm Thành, cụ bất mãn xin từ quan về quê dạy học. Ngày nay vẫn còn cái giếng sen mặt nguyệt ở Phù Tải nơi cụ dạy học.

Nối chí cha ông, cháu cụ là Trương Hữu Điều cũng đỗ tiến sỹ đời hậu Lê. Ngoài họ Phạm, họ Trương, các họ khác trong xã cũng có nhiều người đỗ cao, làm quan to như: Họ Nguyễn Đình có người làm chức Thiên hộ hầu; họ Vũ Duy cụ Cống Kính đỗ Hương cống đầu nhà Nguyễn(1). Cụ Cầm làm quan đốc học tỉnh Bình Định, các con cụ có người đỗ cử nhân, tú tài; cụ Nguyễn Dị đỗ cử nhân.v,v...

Như vậy, trên mảnh đất này, người dân Thanh Giang đã trải qua hàng ngàn năm lịch sử, điều kiện tự nhiên và xã hội đã rèn đúc nên những đức tính cao quý cho con người quê ta. Đó là tính siêng năng cần cù; ý trí kiên cường bất khuất, tình nghĩa thuỷ chung làng xóm. Tuy nhiên, dưới chế độ bóc lột phong kiến, thực dân, với một nền sản xuất tự cấp, tự túc quá nhỏ bé kéo dài hàng ngàn năm đã vùi dập người dân lao động trong đói nghèo, lạc hậu. Cuộc sống ấy cứ lặp đi lặp lại năm này qua năm khác, đời này qua đời khác với hình ảnh "Con trâu đi trước, cái cày theo sau" và tất cả đều khép kín sau luỹ tre làng. Do đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến nhận thức, tầm nhìn của người dân thôn quê dưới xã hội cũ.